Đây là những nhận định từ báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng 2023” do Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố ngày 12/1.
Tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt 6,83%
Theo báo cáo, so với các năm trước, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố hơn.
Thứ nhất, khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể virus corona và các dịch bệnh mới, qua đó tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế.
Thứ hai, mức độ thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế chủ chốt nhằm xử lý áp lực lạm phát.
Thứ ba, các nền kinh tế chủ chốt sẽ gia tăng cạnh tranh địa chính trị, xung đột Nga -Ukraine có thể kéo dài, nhưng giữa các nhóm nền kinh tế “cùng chí hướng” có thể sẽ gia tăng hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Thứ tư, tiến độ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Thứ năm, nếu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam có thể tiếp tục cải cách và thúc đẩy các biện pháp tài khóa, tiền tệ giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Thứ sáu, tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA (hiệp định thương mại tự do) và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại – công nghệ giữa các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD,…
Từ đánh giá, nhận định tình hình sắp tới, nhóm nghiên cứu đã đưa ra 2 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2023. Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt mức 6,47% theo kịch bản 1, và 6,83% trong kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 7,21% trong kịch bản 1 và tăng 8,43% trong kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,64 tỷ USD và 8,15 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2023 dự báo lần lượt ở mức 4,08% và 3,69%.
Theo ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), những thành quả kinh tế – xã hội đạt được trong bối cảnh bất định, phức tạp, khó lường của năm 2022 cho thấy một số bài học quan trọng.
Thứ nhất, việc nhận định, đánh giá và dự báo tình hình cần được thực hiện thường xuyên, kịp thời, và hiệu quả nhằm đề ra những giải pháp, kể cả chuyển hướng chính sách, một cách có trọng tâm, linh hoạt và thực dụng.
Thứ hai, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sẽ khó bền vững nếu chỉ dựa vào các giải pháp tài khóa và tiền tệ. Thay vào đó, Việt Nam không thể tách rời các cải cách kinh tế vi mô khỏi các nhiệm vụ duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài.
Thứ ba, dù đã có nhiều kinh nghiệm, Việt Nam không nên và không thể chỉ dựa vào nghệ thuật điều hành chính sách kinh tế vĩ mô để “ứng phó” với các bất định, rủi ro ở bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước. Thay vào đó, Việt Nam càng phải kiên định với định hướng nâng cao năng lực nội tại, mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập.
Cách thức cải cách phải đổi mới quyết liệt hơn
Do đó, chuyên gia của CIEM nhấn mạnh, bước vào năm 2023, Việt Nam càng phải nhìn nhận yêu cầu đổi mới để cải thiện chất lượng tăng trưởng. Khung chính sách cho đổi mới sáng tạo cần được hoàn thiện hơn nữa, đặc biệt gắn với việc mạnh dạn cho thí điểm các ý tưởng, mô hình kinh doanh mới trên nền tảng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh,…. Cách thức cải cách cũng cần phải đổi mới quyết liệt hơn.
Với thông điệp ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với đổi mới sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động, báo cáo được công bố đưa ra một số kiến nghị về cải cách nền tảng kinh tế vi mô, song song với các biện pháp kinh tế vĩ mô và một số biện pháp khác trong năm 2023.
Trong đó, cụ thể như là rà soát, đánh giá kết quả thực hiện, đề ra các giải pháp cụ thể mới để triển khai các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển vùng, và công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tiếp tục hướng dẫn, tổ chức triển khai hiệu quả các luật căn bản của thể chế kinh tế thị trường như Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Quản lý nợ công; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi các Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật An ninh mạng, v.v.
Tổ chức thực thi hiệu quả Kế hoạch hành động của Việt Nam thực hiện Chương trình nghị sự mở rộng của APEC về cải cách cơ cấu giai đoạn 2021-2025.
Tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0. Nhận diện, ban hành khung chính sách và chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm hìnhn thành một hệ sinh thái hiện đại cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở Việt Nam; rà soát, tháo gỡ các vấn đề về chính sách cạnh tranh trong kinh tế số; nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trong việc điều tiết các hoạt động của các tập đoàn công nghệ lớn.
Nghiên cứu, xây dựng một nghị quyết mới của Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó nhấn mạnh những nội dung về nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ, khai thác hiệu quả ưu đãi trong các FTA mới để thúc đẩy phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp trên nguyên tắc không trái cam kết quốc tế, tăng cường sự tham gia của Việt Nam ở các diễn đàn và cơ chế hợp tác kinh tế đa phương.
Đẩy nhanh việc nghiên cứu, ban hành các nghị định của Chính phủ về cơ chế thí điểm trong các lĩnh vực fintech, kinh tế tuần hoàn.
Lồng ghép các nỗ lực cải cách vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội
Theo CIEM, việc lồng ghép nội dung về cải cách môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh vào Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023, thay vì ban hành một Nghị quyết 02/NQ-CP như những năm trước, càng thể hiện quyết tâm lồng ghép các nỗ lực cải cách này vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, tránh tình trạng cải cách mang tính cơ học hay “cải cách chỉ vì cải cách”.